Black Friday là gì? ‘Thương đạo’ nằm trong Black Friday như thế nào?

Black Friday là gì? ‘Thương đạo’ nằm trong Black Friday như thế nào?

Có người cho rằng Black Friday, tức ngày ‘Thứ Sáu Đen’ là ngày mua sắm lớn với nhiều mặt hàng giảm giá sâu. Nhưng trên thực tế, Black Friday lại mang một giá trị nhân văn thể hiện tinh thần của thương nhân.

Vậy thì rốt cuộc Black Friday là gì, có lịch sử và ý nghĩa như thế nào? Kính mời quý độc giả tìm hiểu qua bài viết dưới đây.

Thời gian của Black Friday

Ngày Black Friday là ngày thứ Sáu sau ngày Lễ Tạ ơn. Lễ Tạ ơn được lấy là ngày thứ Năm tuần thứ tư trong tháng 11, cho nên Black Friday sẽ là ngày thứ Sáu tuần thứ tư của tháng 11. Trong năm nay 2022, Lễ Tạ ơn là ngày thứ Năm 24/11, còn Black Friday là ngày thứ Sáu 25/11.

Black Friday là gì?

Black Friday có nhiều người dịch word by word là ngày ‘Thứ Sáu đen tối’, cá nhân tôi không tán thành lắm cách dịch trên, bởi vì từ ‘đen tối’ có nghĩa không hay (u ám, đen tối, phụ diện), và cách dịch này không toát lên được ý nghĩa thật sự của ngày này, cho nên tôi dịch Black Friday là ngày ‘Thứ Sáu Đen’.

‘Đen’ ở đây là một thuật ngữ kinh tế trong tiếng Anh. Trong tiếng Anh, thuật ngữ ‘In The Black’ chỉ tình trạng doanh nghiệp làm ăn có lợi, còn thuật ngữ ‘In The Red’ chỉ tình trạng làm ăn thua lỗ, từ đó khi theo dõi sổ sách kế toán, người ta thường ghi số lợi nhuận bằng mực đen, còn số thua lỗ bằng mực đỏ. Hiện nay người ta thường sử dụng Excel để làm bảng tính, trên tinh thần của ngày xưa, họ vẫn lấy chữ đen đậm để biểu thị lợi nhuận, còn chữ đỏ đậm để chỉ thua lỗ. Do đó nếu doanh nghiệp nào phần tổng kết có màu đen, thì vào ngày Black Friday, họ sẽ giảm giá để ‘nhượng lợi’ (讓利: nhường phần lợi/lợi ích) và tri ân khách hàng.

Còn tại sao Black Friday được tổ chức vào ngày thứ Sáu, thì cá nhân tôi cho rằng, lúc ấy là thời điểm gần cuối tuần, lại còn sau Lễ Tạ ơn nữa, cho nên người ta có thời gian mua sắm chuẩn bị cuối năm, để có một mùa Giáng sinh và Tết Dương lịch ấm cúng.

Về nguồn gốc của Black Friday cũng có một số cách nói khác nhau.

Có cách nói cho rằng ngày này có xuất xứ từ tình trạng tắc nghẽn giao thông xảy ra vào ngày thứ Sáu sau Lễ Tạ Ơn (diễn ra vào thứ Năm) của năm 1965 ở Philadelphia, Mỹ. Lúc đó hàng trăm nghìn người Mỹ chen chúc nhau ở các con phố, vỉa hè để đi mua sắm cho Lễ Noel sắp đến; và theo truyền thống ngày thứ Sáu sau Lễ Tạ ơn được xem là ngày bắt đầu mùa mua sắm Giáng sinh. 

Một số khác cho rằng, tên gọi Black Friday được bắt nguồn từ những năm 1950 tại thành phố Philadelphia, khi ấy cảnh sát địa phương được đã sử dụng thuật ngữ này để mô tả các thứ Sáu sau ngày Lễ Tạ Ơn vì đó là một ngày ‘đặc biệt khó khăn’ đối với họ, do khối lượng người mua sắm tăng vọt đổ vào thành phố từ các vùng ngoại ô.

Còn về các mốc thời gian liên quan đến Black Friday, thì theo tờ ‘USA Today’, ngày Black Friday bắt đầu được nhắc tới vào năm 1939, khi Tổng thống thứ 32 của Hoa Kỳ là Franklin D. Roosevelt đứng trước sức ép phải chuyển Lễ Tạ Ơn từ ngày thứ Năm tuần thứ năm trong tháng 11 đổi thành ngày thứ Năm tuần thứ tư với mục đích là: kéo dài kỳ mua sắm Giáng sinh.

Ông cho rằng, khi mùa mua sắm kéo dài, người ta sẽ chi tiêu nhiều hơn, và nền kinh tế đang khủng hoảng lúc bấy giờ sẽ nhận được một sự thúc đẩy cần thiết. Đây ý tưởng hình thành nên sự ra đời của Black Friday theo cách nhìn này.

Sự thay đổi của ngày Lễ Tạ Ơn chính thức được công nhận vào năm 1941. Độ hơn chục năm sau, tức năm 1952, thì thuật ngữ Black Friday mới thật sự nổi bật.

‘Thương đạo’ (đạo của thương nhân) trong ngày Black Friday

Theo cách nhìn Black Friday là ‘In The Black’, tức doanh nghiệp làm ăn có lãi khi tổng kết, thì vào ngày Black Friday này họ sẽ có chương trình giảm giá sâu. Vì tổng kết đã có lãi, đủ chi phí chi trả cho nhân viên, nên các doanh nghiệp sẽ giảm giá để khách hàng có thể mua những món hàng với giá ‘mềm’, còn doanh nghiệp tuy lợi ích có thể giảm đi một chút, nhưng họ cũng rất vui vì đã dành phần lợi còn lại để tri ân khách hàng. Đây chính là ý nghĩa nhân văn ‘nhượng lợi’ của doanh nhân.

Có một câu chuyện về tinh thần ‘nhượng lợi’ trong buôn bán mà tôi được một người anh kể lại. Anh là người Sài Gòn, anh kể rằng, hồi đó ở miền nam, người ta bán một ‘chục’ không phải là 10, mà là ‘một chục 12’, ‘một chục 16’ v.v. tức là có điều chỉnh ‘một chục’ này phụ thuộc vào điều kiện vận chuyển và khoảng cách đến nơi tiêu thụ.

Ví như anh ở Sài Gòn, anh sẽ bán một chục là 10 cho người ở gần đó (có thể là hàng xóm), nhưng anh lại bán một chục là 12 cho anh Ba ở Long An, bán một chục là 14 cho chú Tư ở Tiền Giang, còn bán một chục 16 (thậm chí một chục 20) cho cô Sáu ở Cà Mau; nhưng anh vẫn lấy giá của một chục 10 trái. Anh điều chỉnh như vậy là căn cứ theo khoảng cách và điều kiện vận chuyển, khi đến nơi là số quả còn nguyên là 10. 

Ở đây ta thấy được rằng, người bán sẵn sàng nhượng lợi cho người khác để người khác không phải chịu lỗ. Đây cũng là tinh thần ‘nhượng lợi’ của người buôn bán.

Nói về ‘nhượng lợi’, thì trong kênh Youtube cá nhân ‘Ái Lệ thoại ngũ thiên‘ (愛麗話五千), người dẫn chương trình là cô Ái Lệ có kể về 4 đặc điểm của thương nhân thời cổ đại trong đó có ‘nhượng lợi’, từ đó chúng ta sẽ phá giải được hiểu lầm cho câu ‘mười người buôn, chín kẻ gian’.

Nhượng lợi

Cô Ái Lệ nói rằng, vào thời cổ đại, việc mua bán ngũ cốc sử dụng ‘thăng’ hoặc ‘đấu’ để đo lường. ‘Thăng’ hoặc ‘đấu’ có hình dạng trên to dưới nhỏ, giống như hình thang, nhưng kích thước lớn hơn cái bát nhiều. 

than giao black friday la gi thuong dao nam trong black friday nhu the nao (2)
Thăng, đấu có hình dạng trên to dưới nhỏ, giống hình thang cân, nhưng to hơn cái bát minh hoạ trong video của cô Ái Lệ. Ảnh chụp từ Youtube.

Theo cách làm thông thường, thì sau khi bạn đong đầy một thăng hay một đấu gạo, sẽ gạt bằng mặt; nhưng thương nhân lại cho khách hàng thêm một nhúm gạo nhỏ, tạo thành một ‘tiêm’ (尖: đỉnh nhọn), gọi là ‘thiêm đầu’ (添頭: đỉnh cho thêm) để cho người mua vui vẻ. Thời cổ đại, rất nhiều người bán thực phẩm đều làm như vậy.

than giao black friday la gi thuong dao nam trong black friday nhu the nao (3)
Ảnh ‘thiêm đầu’, tức phần đầu nhọn cho thêm. Ảnh chụp từ Youtube.

Dần dần, xã hội sinh ra cách nói ‘Vô thương bất tiêm’ (無商不尖: không có thương nhân nào mà không đong thêm đỉnh nhọn cho khách hàng), miễn là thương nhân thì sẽ nhượng lợi (讓利: nhường lại lợi ích). Khách hàng vui vẻ hài lòng, thương nhân có danh tiếng tốt, khách hàng sẽ quay lại, như thế chuyện làm ăn mới lớn hơn và tốt hơn.

Ngoài việc bán lương thực, những người bán vải cũng có cách nói ‘Túc xích phóng tam’ (足尺放三: đo đủ một xích 33cm thì thêm ba thốn tức 10cm nữa. Xích và thốn là đơn vị đo chiều dài thời cổ đại). Còn khi mua dầu, mua giấm, thì thương nhân thường hay múc thêm một muôi cho khách hàng vào lúc cuối.

Do đó cách nói nhượng lợi ‘Vô thương bất tiêm’ là ‘khuôn vàng thước ngọc’ mà các thương nhân cổ đại áp dụng trong làm ăn, và đó cũng là bí quyết thành công đã được nghiệm chứng qua thời gian.

Sau này lại một cách nói biến dị là ‘Vô thương bất gian’ (無商不奸: không có thương nhân nào mà không gia nhập trá). Có sự hiểu lầm này là bởi vì chữ ‘tiêm’ (尖: đầu nhọn, pinyin là jian) đồng âm với chữ ‘gian’ (奸: gian trá, gian xảo; pinyin cũng đọc là jian1). Trên thực tế thì thương nhân thời cổ đại và một số nơi đạo đức còn cao có mang một tinh thần nhượng lợi như vậy, còn câu nói ‘Mười người buôn, chín kẻ gian’ là cách nói biến dị sau này.

Thành tín

Tiếp theo cô Ái Lệ chia sẻ đặc điểm thứ hai của thương nhân cổ đại, đó là Thành tín (誠信: chân thành và giữ chữ tín. 

Người xưa vô cùng coi trọng thành tín, thương nhân lại càng cần như thế, bởi một khi tín nhiệm bị tổn hại thì sẽ không còn ai đến mua nữa. Thời cổ đại thì 1 cân là 16 lượng, cho nên mới có câu ‘Kẻ tám lạng, người nửa cân’.

Thế thì, tại sao 1 cân có 16 lượng? Cổ nhân cho rằng, chòm sao Bắc đẩu có 7 ngôi sao, Nam đẩu có 6 ngôi sao, bên cạnh còn có 3 ngôi sao Phúc Lộc Thọ, tổng cộng là 16 ngôi sao, tương ứng với 1 cân chia ra 16 lạng.

Người làm ăn tin rằng, nếu như cân thiếu thì các vị thần cai quản ba sao Phúc Lộc Thọ sẽ trừng phạt họ. Nếu thương nhân cân thiếu 1 lạng thì thần tiên sẽ giảm phúc khí của họ, nếu cân thiếu 2 lạng thì giảm bổng lộc, cân thiếu 3 lạng thì sẽ tổn thọ. Vì vậy, thương nhân cổ đại không hề lừa dối khách hàng để thu lợi nhỏ. Ngược lại, các thương nhân thà là chịu tổn thất, cũng phải bảo trì thành tín.

Trong cuốn ‘Dung trai tùy bút’ vào triều Tống có ghi lại một câu chuyện như sau. Có một người đàn ông tên là Trần Sách ở thành Lữ Nam, khi mua một con lừa, ông ta đã mua phải một con không thể đóng yên để dùng. Trần Sách không cam tâm bán lừa cho người khác, nên ông nuôi nó trong một ngôi nhà tranh ở ngoài đồng rồi để cho nó chết già.

Một ngày nọ, một vị quan đi ngang qua đây, con ngựa của ông ta đột nhiên chết đi. Con trai Trần Sách cùng với người quản lý chợ giảo hoạt lập kế, họ mài bằng lưng con lừa, giả trang như con lừa này chở được đồ, như vậy thì có thể bán cho vị quan nhân. Trần Sách sau khi nghe được, tự mình đuổi theo gặp vị quan nhân đó, đem chuyện con lừa không có khả năng chở đồ này nói ra, sau đó không những giữ lại con vật mà còn bồi thường tiền mua lừa cho vị quan kia rồi mới quay về. 

than giao black friday la gi thuong dao nam trong black friday nhu the nao (4)
Tranh vẽ minh hoạ cho chuyện con trai Trần Sách mài bằng lưng con lừa để bán cho vị quan. Ảnh chụp từ Youtube.

Ở đây thấy rằng, Trần Sách thà để mình chịu thiệt còn hơn bán ‘đồ dởm’ cho người khác, điều này thể hiện đạo đức của người xưa, không vì lợi nhỏ mà làm trái lương tâm.

Cô Ái Lệ kể thêm một câu chuyện nữa, vào thời nhà Tống, có một người tên là Tăng Thúc Khanh, ông ta mua một lô đồ gốm và muốn chuyển lên phương bắc để trao đổi hàng hóa, nhưng gặp lúc thiên tai xảy ra ở phương bắc, đồ gốm không bán được.

Lúc này, có người đến gặp Tăng Thúc Khanh và yêu cầu ông bán lại hết lô đồ gốm, thế là Tăng Thúc Khanh giao lô đồ gốm cho anh ta. Sau khi Tăng Thúc Khanh thu tiền xong, ông hỏi người kia: ‘Anh định vận chuyển những thứ này đi đâu?’. Người đó nói: ‘Tôi muốn làm tiếp kế hoạch ban đầu của ông’.

Tăng Thúc Khanh đem chuyện phương bắc phát sinh thiên tai nói cho người này biết, sau đó cũng không bán lô đồ gốm cho anh ta nữa. Tăng Thúc Khanh nói với vị khách này: ‘Tôi chẳng lẽ không báo cho anh sự việc này, nhỡ anh chịu tổn thất thì phải làm sao’.

than giao black friday la gi thuong dao nam trong black friday nhu the nao (5)
Tranh vẽ minh hoạ cho câu chuyện Tăng Thúc Khanh không bán đồ gốm cho người khách vì sợ họ tổn thất do phương bắc chiến loạn. Ảnh chụp từ Youtube.

Tăng Thúc Khanh dù rất nghèo khổ, ăn mặc đói rét, đã gặp được cơ hội thoát khỏi cảnh hàng hóa tồn đọng; nhưng ông vẫn không bán số đồ gốm cho người kia, vì làm thế là tổn hại lợi ích của người khác.

Từ những câu chuyện trên cho thấy người xưa rất thành tín, không dối gạt, sẵn sàng xả bỏ lợi ích để giữ gìn tín nghĩa.

Xả đắc

Để minh chứng cho đặc điểm thứ tư của thương nhân cổ đại, cô Ái Lệ đã kể câu chuyện về Phạm Lãi. 

than giao black friday la gi thuong dao nam trong black friday nhu the nao (6)
Tranh vẽ Thương Thánh Phạm Lãi – Tướng quốc nước Việt thời Xuân Thu. Ảnh Wikipedia.

Hơn 2000 năm trước, có một kỳ nhân tên là Phạm Lãi, ông đã bỏ hơn 20 năm phò tá Việt Vương Câu Tiễn phục quốc. Sau khi thành công, không muốn được ban thưởng bất cứ điều gì, mà ‘công thành thân thoái’, mang theo tay không mà đến nước Tề.

Ở nước Tề, Phạm Lãi đã lập nghiệp buôn bán làm ăn từ hai bàn tay trắng. Vì làm ăn quá tốt, nên ông được Tề vương triệu làm Tướng quốc. Lần này ông lại bỏ hết gia tài, giao lại ấn tướng, hai bàn tay trắng trốn đi, cả gia đình chuyển đến Đào địa (đất Đào). 

Ở đất Đào, Phạm Lãi khởi đầu kinh doanh lại lần nữa. Ông bắt đầu công việc kinh doanh của mình, và trong suốt 19 năm, ông đã 3 lần tích lũy tài phú được ngàn vàng, lại 3 lần sơ tán mà vứt bỏ hết.

Sau này trong bài thơ ‘Thương tiến tửu’ (將進酒: Xin mời rượu), Thi tiên Lý Bạch có câu:

Thiên sinh ngã tài tất hữu dụng
Thiên kim tán tận hoàn phục lai

Nguyên văn Hán tự:

天生我才必有用
千金散盡還復來

Tạm dịch:

Trời sinh ta ắt có chỗ dùng
Ngàn vàng tán tận lại làm nên

Đây chính là những câu thơ nói về Thương Thánh Phạm Lãi.

Trong tâm mắt của Phạm Lãi, quan cao lộc dày, gia tài vạn quán (萬貫: vạn xâu tiền) đều là vật ngoại thân, có thể bình thản mà coi nhẹ. Phạm Lãi chính là người có thể nhẹ nhàng ‘xả bỏ’, sau này vẫn làm lại mà ‘đắc được’.

Đạo nghĩa

Đặc điểm thứ tư của doanh nhân thời xưa là Đạo nghĩa.

Trên thực tế, từ 2500 năm trước, Khổng Tử đã bàn về thái độ của con người nên có đối với tài phú. Khổng Tử nói: ‘Phú quý thì ai cũng muốn, nhưng không dùng đạo để có được nó thì không được’. Sau này câu nói này của Khổng Tử trở thành cách nói: ‘Quân tử ái tài, thủ chi hữu đạo’ (Người quân tử coi trọng của cải, nhưng muốn lấy nó phải dựa vào đạo lý).

Bốn đặc điểm của thương nhân thời xưa mà cô Ái Lệ chia sẻ, thực chất cũng là những nguyên tắc làm người như: biết nghĩ cho người khác (nhượng lợi, thành tín), xem nhẹ vật chất (xả đắc), và sống có Đạo nghĩa. 

Khi nhìn vào Black Friday theo ý nghĩa là nhượng lợi và tri ân khách hàng, chúng ta cũng  thấy được những đạo lý này. 

Nhượng lợi thì đã rõ ràng rồi, giảm sâu rất nhiều mặt hàng để người mua có được một giá tốt. Tôi nhớ từng coi Youtube của một anh người Việt ở Mỹ, anh là người phân tích các vấn đề thời sự, nổi tiếng vì hay nói câu “Gió đưa cây cải về Trời…”. Anh ấy phỏng vấn một chủ chuỗi cửa hàng điện tử Teletron, người chủ ấy nói rằng việc giảm giá sâu còn giúp cho những người có hoàn cảnh kinh tế eo hẹp mua được sản phẩm với giá mềm mà bình thường không mua được.

Về Thành tín, thì cứ đến độ sau Lễ Tạ ơn thì hầu hết các doanh nghiệp đều giảm giá, giảm giá thật sự chứ không phải là tăng giá lên rồi tính toán lại để giảm giá, kiểu như ‘mua 2 tặng 1 tính tiền 3’. Đây là chân thành và giữ chữ tín về mặt thời gian.

Về Xả đắc, tôi thấy rằng đây là một điều rất hay của Black Friday. Nếu một doanh nghiệp làm ăn chân chính, khi tổng kết bảng kế toán đã đạt được việc cân đối các khoản chi phí, thì việc cho khách hàng mức giá tốt không phải là điều thiệt. Bởi vì như đã nói ở trên, lúc ấy: khách hàng vui vẻ, doanh nghiệp được tiếng tốt, về sau sẽ có nhiều người mua hơn. Đây chẳng phải là ‘xả bỏ’ rồi mới ‘đắc được’ hay sao.

Còn về Đạo nghĩa, tôi thấy rằng khi đã làm được những điều trên, thì đã làm được ‘nhân đạo’ (人道: đạo làm người), ‘thương đạo’ (商道: đạo thương nhân), khi đã sống theo đạo, biết nghĩ cho người khác, tôi cho rằng đây cũng chính là Đạo nghĩa, cũng giống như điều Khổng Tử nói là ‘Điều mình muốn lập thì cũng nên lập cho người, điều mình muốn đạt, cũng nên cho người khác đạt được’ (Nguyên văn là: Kỷ dục lập nhi lập nhân, kỷ dục đạt nhi đạt nhân).

Những người làm Thân giáo chúng tôi, không có gì hơn, cũng muốn tặng quý độc giả một số voucher trong dịp Black Friday, hoặc các dịp mua sắm khác trong năm. Chi tiết quý độc giả có thể vào trang web hoặc group của chúng tôi:

Tâm thái nên có của người mua hàng

Ở phần trên đã nói nhiều về những đặc điểm của thương nhân, còn trong phần này sẽ nói về tâm thái nên có của người mua hàng.

Black Friday theo tôi nhìn nhận là ngày nhượng lợi và tri ân khách hàng, nhưng có một số hiện tượng vượt quá mức bình thường thì tôi thấy lại là điều không tốt. Ở đây tôi có thấy 2 hiện tượng phổ biến. 

Một là chen lấn xô đẩy để mua hàng, thậm chí một số trang còn viết như thế này: ‘Đây là ngày duy nhất trong năm ghi nhận có thể biến cả những người mua hàng trầm tính nhất, hiền lành nhất cũng có thể biến thành một tín đồ hung dữ, sẵn sàng tranh cướp những món đồ mà mình muốn sở hữu’.

Hai là nhiều người vì thấy hàng hoá trong ngày Black Friday rẻ quá nên mua rất nhiều dẫn đến ‘cháy túi’.

Cả hai hiện tượng đều có liên quan đến một tâm lý tiêu dùng dư thừa quá mức. Tôi không phản đối việc một người cân nhắc kĩ trước khi mua một món đồ nào đó, về chất lượng hay giá cả; có thể họ rất thích món đồ đó nhưng giá cao quá chưa mua được, đến ngày sale như Black Friday thì tranh thủ đi mua, đây là tâm lý bình thường.

Nhưng việc mình đã có món đồ ấy, vẫn còn xài tốt, nhân cơ hội giảm giá thì mua thêm, thậm chí mua quá nhiều, rồi sau đó không xài trong một thời gian dài thì cá nhân tôi thấy hơi phí một chút. Thực ra tôi thông cảm với những người đã trải qua thời kỳ thiếu thốn trước đây, hàng hoá vô cùng khan hiếm, nhưng hiện tại (tôi quan sát) chủ yếu là khủng hoảng thừa, hiếm có việc thiếu sản phẩm, chỉ là mình thích cái nào mà thôi.

Tôi chỉ muốn nói rằng, khi mua một sản phẩm thì nên cân nhắc nhu cầu sử dụng, nếu mua mà không xài thì tôi thấy hơi phí.

Nhân câu chuyện về tâm lý dư thừa mà tôi quan sát, có một câu chuyện liên quan hồi tôi còn làm ở Hà Nội.

Chuyện là tối đó tôi có đi ăn McDonald’s, bản thân tôi có app hãng đó, mà xài app thì có giảm giá đôi chút. Ở bên cạnh tôi có một chị, tôi nhìn thì thấy chị không phải là người thiếu thốn gì, ăn mặc sạch sẽ, xài iphone (nếu tôi nhớ không nhầm)… nhưng chị lại hơi ‘tham’. 

Khi ấy có chương trình là: người nào cài app lần đầu sẽ được giảm giá (hoặc thêm một miếng gà hay gì gì đó tôi nhớ không rõ). Nhưng điều kỳ lạ là, mặc dù chị đã cài app, nhưng vì muốn nhận thêm, chị lại quay qua nói với tôi rằng: ‘Em cài app rồi đưa mã cho chị’. 

Lúc đó tôi cũng không biết nói sao. Một lúc sau chắc chị cảm thấy thấy ‘không đúng lắm’ nên lại thôi.

Tôi kể câu chuyện này là muốn nói rằng, không nên quá tham lam, mà nên bình tĩnh, mua những gì cần thiết mà thôi.

Từ Lễ Tạ ơn, Black Friday đến Giáng sinh: ‘phảng phất’ tinh thần tín ngưỡng

Đến đây tôi có một số phát hiện khá thú vị. Chúng ta biết rằng sau Lễ Tạ ơn chính là Black Friday, khoảng một tháng sau là tới Giáng sinh. 

Như đã nói ở bài viết trước, thì Lễ Tạ ơn là để tạ ơn Thần, tức Thiên Chúa ở phương tây đã bảo hộ, che chở và dẫn dắt những tín đồ Thanh giáo. Đây thuộc về tầng diện tín ngưỡng, tức mối quan hệ giữa người và Thần, con người phải tôn kính Thần.

Đến ngày Black Friday, nếu hiểu trên cơ sở là ngày thương nhân ‘nhượng lợi’ và tri ân khách hàng, thì đây là ‘nhân đạo’ (đạo giữa người với người) hoặc ‘nhân luân’ (luân lý giữa người với người). Đây là tầng diện giữa người với người.

Sau khi tạ ơn Thần và mua được nhiều sản phẩm với giá mềm, thì người ta chuẩn bị trong vòng một tháng nữa là sẽ đến Giáng sinh. Giáng sinh là để tưởng niệm ngày sinh của Chúa Giê-su; cũng giống như ngày Lễ Phật đản để kỷ niệm ngày Phật Đản sinh. Đây lại là tầng diện tín ngưỡng, con người nên tôn kính, tưởng nhớ và làm theo lời dạy của Thần.

Khi nhìn vào (phần lớn) ngày lễ, chúng sẽ cảm thấy hay phảng phất dấu ấn của Thần hoặc những lời dạy của Thần trong đó. Ví như trong các bài viết trước đây, có bài chúng tôi nói về ngày bắt đầu của Tết Nguyên Đán là ngày Lạp Bát, tức ngày 8 tháng Chạp (Chạp là cách đọc trại âm của Lạp), đây là ngày Phật Thích Ca Mâu Ni thành đạo. Các mùng tiếp theo là các ngày sinh nhật để tưởng nhớ Thần. Đến Tết Nguyên Tiêu, thì ngày rằm tháng Giêng là ngày sinh của Thượng Nguyên Thiên Quan – một vị Thần trong Đạo giáo…

Do đó nhìn ở đâu chúng ta đều có thể thấy dấu ấn của Thần trong cuộc sống, còn nếu chúng ta phủ định Thần thì quả thật là bất kính, đồng thời nói không thông rất nhiều vấn đề.

Chu Thuần

Có thể bạn quan tâm:

Chu Thuần

Chu Thuần

Chu Thuần là người yêu văn hoá và thích suy nghĩ, Chu Thuần muốn truyền tải những giá trị truyền thống và góc nhìn của những chuyên gia đến quý độc giả.

Leave a Reply

Your email address will not be published.