Không phô trương hoành tráng như xây biệt thự, không thành trào lưu rầm rộ như xây nhà nghỉ ngoại thành… thú chơi nhà gỗ truyền thống vẫn âm thầm và mãnh liệt trong giới đại gia đất Bắc.

Đổ ra vài tỷ cho đến cả triệu USD dựng nhà gỗ nhưng không mấy khi công khai rộng rãi. Đó như là một niềm tự hào riêng mà các đại gia hạn chế công khai. Để phục vụ cho thú chơi này, ở Hà Nội có những làng nghề chuyên làm nhà gỗ cho đại gia mà trở nên giàu có.

{keywords}
Một ngôi nhà gỗ hoàn thiện tốn nhiều tỷ đồng.

Dựng nhà báo hiệu, làm nhà để chơi 

Nhà gỗ truyền thống của người Việt nay không còn mấy ai xây dựng vì quá đắt đỏ. Nhưng với các đại gia, đắt cả triệu đô cũng không vấn đề nếu họ muốn có một ngôi nhà gỗ để phục vụ việc thờ tự, cung tiến hay đơn giản là chỉ dựng một chốn quê nhà để thỉnh thoảng về thăm.

Vì thế, ngày nay, nhu cầu nhà gỗ rất đa dạng và để có được căn nhà hợp về tâm linh, phong thủy, đường nét tinh xảo và cổ kính thì các đại gia phải bỏ ra hàng tỷ đồng.

Ở Thạch Thất – Hà Nôi những làng nghề mộc truyền thống như: Canh Nậu, Dị Nậu, Chàng Sơn, Hương Ngải… rất được các đại gia tin tưởng chọn đặt hàng.

{keywords}
Một góc nội thất cầu kỳ của nhà gỗ truyền thống.

Theo nghệ nhân Đặng Tam (Chàng Sơn – Thạch Thất), các đại gia thừa tiền làm biệt thự, cung điện nhưng họ vẫn muốn có nếp nhà gỗ vì nhà bê tông đâu chả có nên thường nhanh lỗi mốt, còn nhà gỗ cổ truyền đã tồn tại hàng trăm năm, càng để lâu, giá trị nhà càng cao. Bên cạnh đó, không ít các đại gia thành đạt chi gần chục tỷ đổng dựng nhà gỗ làm nhà thờ họ, báo đáp tổ tiên, cung tiến đình chùa… Đây là lý do nhà gỗ dù ngày càng đắt nhưng càng nhiều người đặt hàng.

Đã nhiều năm đi khắp cả nước dựng nhà gỗ, các nghệ nhân ở Dị Nậu – Thạch Thất kể: “Trong nghề chúng tôi gặp những khách hàng khác nhau, người ít tiền cũng muốn chơi, thậm chí không có cũng đi vay nóng họ hàng để lấy tiền làm nhà gỗ. Nhưng cũng có những đại gia thực thụ chi tiền tỉ đồng chỉ để gom gỗ quý làm nhà.

{keywords}

{keywords}{keywords} 

Mất nhiều công sức, sự khéo léo và cầu kỳ của người già và trẻ mới có được một ngôi nhà ưng ý.

“Cách đây 2 năm, tôi dựng nhà cho một đại gia đất Ninh Bình, vị đại gia này rất chịu chơi, riêng tiền gỗ đã ngót 5 tỷ đồng”, một nghệ nhân kể lại.

Theo các nghệ nhân, chơi nhà gỗ cổ truyền được hình thành theo hai phong cách. Người chơi theo kiểu truyền thống muốn sở hữu vì muốn hướng về tổ tiên. Dòng chơi này có nhiều mức độ khác nhau: giá nhà có thể từ 100 triệu đến hàng tỷ đồng chủ yếu là sửa hay dựng lại nhà cũ, làm nhà thời họ…

Đối với những đại gia lắm tiền, muốn có nhà gỗ cổ truyền hàng tỷ đồng thì chất chơi khác hẳn phong cách truyền thống. Theo đó, hoa văn ngôi nhà càng tinh xảo càng khẳng định đẳng cấp. Chơi nhà gỗ đem lại cho họ một nét tao nhã đậm chất dân tộc, ở nhà gỗ có một cảm giác yên tĩnh nghỉ ngơi trong những ngày cuối tuần.

{keywords}
Những nghệ nhân luôn nhận được những đơn hàng tiền tỷ làm nhà gỗ cho đại gia.

“Để được một căn nhà hợp ý giá nào cũng có, tùy theo mức độ tài chính của mỗi người. Tất cả giá trị nhà quyết định ở chất liệu gỗ, còn tiền chi phí cho công thợ phụ thuộc vào kính thước và độ phức tạp của từng ngôi nhà”, ông Chính, một nghệ nhân ở Dị Nậu chia sẻ.

Ông Lý (Hương Ngải- Thạch Thất – Hà Nội) cho biết, với nhà gỗ nhất là nhà dựng vì ý nghĩa truyền thống, tâm linh thì các đại gia chơi nhà kiểu này là người rất cầu kỳ và mê tín, nên khi các thợ làm nhà được các đại gia rất coi trọng, việc hậu đãi với các thợ đem lại may mắn cho họ.

“Khi chúng tôi đi làm, đại gia thường đãi cơm ăn ngày ba bữa, với đầy đủ các món đặc sàn, đi lại có xe sang đưa đón. Đến khi bàn giao nhà được đại gia mổ lợn ăn mừng, có những người thợ tay nghề cao làm hài lòng họ còn thưởng riêng 100 trăm triệu đồng là thường”, ông Lý chia sẻ.

Một câu chuyện mà đến giờ người dân nơi đây vẫn chưa hết “sốc” về độ chịu chơi của một đại gia đất Hải Dương. Khi về Hương Ngải – Thạch Thất tìm thợ xây nhà gỗ, vị đại gia gặp được khung nhà đã gần hoàn thiện có giá trị hàng tỷ đồng sắp đi dựng cho khách. Khung nhà đã lọt vào mắt của vị đại gia này bởi kiến trúc nét chạm khắc quá tinh xảo của ngôi nhà. Sợ không có ngôi nhà nào bằng, vị đại gia này sẵn sàng chi thêm 200 triệu ngỏ ý “lật kèo”.

Ba đời làm nhà gỗ

Đến xã Hương Ngải – Thạch Thất, cái nôi của nghề làm nhà gỗ kẻ truyền, hỏi ông Tâm ai cũng biết vì nghệ nhân này rất nổi tiếng trong việc mát tay dựng nhà gỗ cho các đại gia.

Ông Tâm kể: “Tôi là đời thứ 3 trong gia đình truyền thống làm nghề mộc. Thuở bé, tôi theo cụ thân sinh đi khắp các tỉnh miền Bắc làm nhà gỗ, được các bậc ông cha truyền nghề từ khi 12 tuổi và giao cho những công việc quan trọng nhất, khắc chạm những văn hoa tinh xảo nhất của ngôi nhà từ khi 15 tuổi.

Nghệ nhân Gia Hải lại tự giới thiệu mình bằng việc thể hiện “vài đường cơ bản” của nghệ thuật chạm trổ. Những thanh gỗ mộc mạc, vô tri vô giác dưới bàn tay khéo léo của người thợ đã trở thành những bức tranh sống động, với những họa tiết tỉ mỉ, độc đáo làm nên giá trị mỹ thuật cho những ngôi nhà gỗ cổ truyền.

“Tác phẩm chạm khắc đẹp, mềm mại và có hồn hay không phụ thuộc vào nét vẽ ban đầu của người nghệ nhân, từ đó sẽ được thợ khắc thành những hoa văn của ngôi nhà”, ông Hải chia sẻ.

Sự độc đáo của nhà gỗ cổ truyền đã tồn tại hàng trăm năm. Chính vì thế nhiều đại gia ngày nay chọn cho mình thú chơi theo phong cách dân gian, được sống trong một không gian truyền thống dân tộc.

Với họ, những ngôi nhà cổ truyền là một nét đẹp vĩnh cửu, một giá trị cần phải có trong bộ sư tập nhà cửa của mình. Nhưng sau những biệt thự xa xỉ, nhà nghỉ lung linh thì dường như nhà gỗ vẫn được các đại gia quý trọng hơn cả.

Tuấn Linh