- Câu chuyện huyện Yên Phong (Bắc Ninh) vừa loại khỏi bục giảng 261 giáo viên hợp đồng lao động bằng hình thức thi phỏng vấn đang gây tranh cãi. Liệu có đúng như lãnh đạo tỉnh khẳng định cách thi phỏng vấn là ít tiêu cực và đánh giá hết năng lực của ứng viên?

Trao đổi với VietNamNet, không ít ứng viên tham gia kỳ tuyển dụng viên chức giáo dục của huyện Yên Phong tiếp tục chỉ ra bất cập khi đơn vị này tiến hành phỏng vấn mà không thi thực hành đứng lớp để tìm được người phù hợp trên bục giảng.

{keywords}
Ảnh Văn Chung

“Vào phòng thi, chỉ có ứng viênvới hội đồng sát hạch. Chúng tôi bắt thăm ngẫu nhiên 1 trong 4 lĩnh vực tương ứng 4 câu hỏi về chính sách, luật giáo dục, xử lí tình huống sư phạm.

Trả lời xong, hội đồng không thông báo điểm ngay. Một thời gian sau mới công bố. Cứ dựa theo luật hiện hành, dù có muốn, chúng tôi cũng không được quyền phúc khảo vì lời nói gió bay” – một giáo viên hợp đồng trượt tuyển dụng cho biết.

Giải thích vấn đề này, Giám đốc Sở Nội vụ Bắc Ninh Nguyễn Hương Giang cho hay: “Với số thí sinh đăng ký dự xét tuyển là 2.370 người, nếu áp dụng thực hành giảng dạy 1 tiết trên lớp vừa mất rất nhiều thời gian, vừa khó khăn trong vấn đề bố trí, sắp xếp cơ sở vật chất, lớp học có học sinh để dạy thực hành”.

Tuy nhiên, nhiều giáo viên và lãnh đạo các trường nhất là các trường THCS không đồng tình với lý giải này.

“Nếu thời gian tuyển lâu mà làm tốt thì ta được cả một thế hệ học trò được giáo viên thực sự có chuyên môn, tâm huyết giảng dạy. Chứ không thể tuyển dụng nhanh, sau hiệu quả kém, chất lượng giáo dục đi xuống” – hiệu trưởng một trường THCS trên địa bàn huyện bức xúc.

Một thông tin khác, trong 6 giám khảo tham gia phỏng vấn, cho điểm ứng viên của huyện Yên Phong, có 1 thành viên đến từ phòng GD-ĐT, 5  người còn lại từ phòng Nội vụ, huyện ủy, văn phòng HĐND-UBND và lao động, thương binh - xã hội.

Tại buổi làm việc với UBND huyện Bắc Ninh, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cho biết, hướng xử lý lâu dài sẽ bổ sung quy định ghi âm, ghi hình trong thi tuyển viên chức để nếu có khiếu nại có biện pháp xử lí công bằng. Đồng thời, sẽ bổ sung quy định đối với tuyển dụng giáo viên và bác sĩ sẽ không thi phỏng vấn để kiểm tra được năng lực thực.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, không ít ứng viên đang dạy hợp đồng trúng tuyển viên chức giáo dục của Yên Phong là người thân lãnh đạo các ban ngành của huyện này. Nhờ điểm phỏng vấn cao (tính hệ số 2), có người gần chạm mức tối đa 100 điểm đã kéo tổng điểm trúng tuyển  lên cao hơn các ứng viên.

Trong khi xét về điểm học tập, điểm tốt nghiệp của họ không cao, nằm ở tốp gần cuối so với các ứng viên. Nhiều người mới ra trường, điểm số thấp, thi trái ngạch nhưng điểm số vẫn cao hơn người lâu năm, có kinh nghiệm.

“Một hội đồng sư phạm với những người có kinh nghiệm chỉ cần chút thời gian sẽ có thể đánh giá được ứng viên có năng lực hay không. Những người này nếu cần có thể thuê từ bên ngoài để tránh chuyện chạy điểm. Còn phỏng vấn lại có quá nhiều may rủi” – một hiệu trưởng nêu giải pháp.

Bắc Ninh sẽ phổ cập thạc sĩ các vị trí việc làm?

Với mục đích tuyển được người tài, vừa qua Sở GD-ĐT Bắc Ninh tuyển dụng 95 chỉ tiêu. Sở đưa ra quy định dự tuyển là phải tốt nghiệp ĐH chính quy chuyên ngành sư phạm tại các trường sư phạm, các khoa sư phạm trong và ngoài nước. Riêng tốt nghiệp ĐH hệ chính quy tại ĐHQG Hà Nội, ĐHQG TP.HCM thì phải có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm do cơ quan có thẩm quyền cấp; có hộ khẩu thường trú tại tỉnh Bắc Ninh trước khi đi học ĐH...

Hồ sơ toàn xuất sắc, thạc sĩ, tiến sĩ được tuyển thẳng nếu cam kết công tác lâu dài từ 10 năm tại tỉnh cũng không giảm.

Cụ thể: môn lịch sử có 5 chỉ tiêu nhưng có 15 đối tượng thuộc diện tuyển thẳng tham gia với 3 thạc sĩ; môn toán có 13 chỉ tiêu nhưng 27 hồ sơ tuyển thẳng với 14 là ứng viên có bằng thạc sĩ; môn văn học có 12 chỉ tiêu thì con số này tương ứng là 6/12; môn sinh học có 5 chỉ tiêu nhưng có đến 20 người thuộc diện tuyển thẳng tham gia với 13 thạc sĩ; môn vật lý 9 chỉ tiêu nhưng cógần 30 thuộc diện tuyển thẳng tham gia với 13 thạc sĩ…

Huyện Yên Phong vừa qua tuyển thẳng 85/612 chỉ tiêu. Trong đó, một số môn như sinh học, lịch sử, thể dục,GDCD, công nghệ,… lượng ứng viên xét tuyển thẳng vượt hơn và hơn nhiều chỉ tiêu tuyển.

Khác với Sở GD-ĐT Bắc Ninh, huyệnYên Phong mở rộng đối tượng dự tuyển: không yêu cầu tốt nghiệp sư phạm mà chỉ cần có chứng chỉ sư phạm là có thể tham gia, không yêu cầu tốt nghiệp ĐH chínhquy, mở rộng xét tuyển cả tỉnh ngoài đối với những người có bằng thạc sĩ, tiến sĩ, người tốt nghiệp ĐH chính quy loại giỏi, xuất sắc.

Với việc quá rộng cửa để thu hút nhân tài, cơ hội tổ chức tuyển dụng xét tuyển, hoặc thi tuyển dành cho đối tượng khác sẽ hẹp lại.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn chia sẻ: “Đối với quản lý nhà nước thì không yêu cầu học vị quá cao mà điều quan trọng là năng lực thực thi công vụ. Khi tuyển vào công chức thì thi năng lực thực thi công vụ được quan tâm nhiều hơn”

  • Văn Chung