Cô giáo đưa game Đế chế III vào môn Sử

Giáo dụcThứ Tư, 30/04/2014 08:26:00 +07:00

Thấy trò chăm chú chơi game, cô xin chơi cùng. Và ý tưởng phần mềm đồ họa của game Đế chế III đã đi vào bài giảng về trận chiến Thành Cổ Loa.

Thấy trò chăm chú chơi game, cô xin chơi cùng. Và ý tưởng phần mềm đồ họa của game Đế chế III đã đi vào bài giảng về trận chiến Thành Cổ Loa.

Đó là cô giáo Nguyễn Thị Kim Minh, giáo viên môn Lịch sử, Trường THCS Trần Quý Cáp (Cẩm Lệ, Đà Nẵng) bộc bạch.

Giáo viên phải luôn đổi mới


Ấn tượng đầu tiên về cô giáo Kim Minh là một người giáo viên có niềm đam mê môn Lịch sử bất tận. Khuôn mặt phúc hậu, giọng nói truyền cảm, nụ cười hiền luôn khiến người đối diện cảm thấy ấm áp và tò mò trong mỗi câu chuyện kể của cô.

“Đó cũng là một lợi thế của người đứng lớp nhưng quan trọng hơn là phải truyền sang học trò niềm đam mê bởi chỉ mình đam mê thôi chưa đủ. Để làm được như thế đòi hỏi người giáo viên phải luôn đổi mới phương pháp giảng dạy cho phù hợp với mỗi tình huống bài giảng”- cô Minh bộc bạch.
Cô giáo Minh dạy trực quan cho học trò tài phòng học bộ môn.
Cô giáo Minh dạy trực quan cho học trò tài phòng học bộ môn. 
Hơn 20 năm đứng trên bục giảng, 10 năm gắn bó với trường THCS Trần Quý Cáp, cô đã ghi dấu ấn của mình bằng cách làm lan tỏa tình yêu lịch sử nối tiếp giữa các thế hệ học trò.

Không khô khan, không liệt kê, những sự kiện lịch sử qua cách giảng của cô trở thành một câu chuyện sống động. Và sau mỗi bài giảng, cô không bắt ép học sinh phải nhớ thuộc lòng mà cô đặt ra nhiều giả thuyết cho những tình huống, sự kiện lịch sử để cho học sinh tự nhập vai phân tích và nhìn nhận.

Cô Minh bảo: “Sau mỗi bài giảng mình phải tạo ra được cái lắng, cái đọng để học sinh thích. Và từ thích thì sẽ nhớ được lâu hơn”. Bên cạnh sự đổi mới không ngừng cùng kinh nghiệm của một giáo viên có thâm niên đứng lớp, cô giáo Minh còn là người rất ham học hỏi, tìm tòi sáng tạo.

Còn nhớ mấy năm về trước, trong một lần đi tìm học sinh ham chơi game, bỏ bê học hành, thấy học trò mải mê chơi game không chịu trở lại trường, cô nhỏ nhẹ hỏi: “Con đang chơi trò gì bày cho cô với?”. Thế là trò bày cho cô chơi game Đế chế III. Chơi xong cô đã đưa được trò trở lại học, còn cô nảy ra ý tưởng đưa phần mềm đồ họa của game vào giảng dạy bài trận chiến Thành Cổ Loa.

“Bài giảng ấy gần suốt cả cuộc đời đi dạy mình chưa một lần thành công. Mình đã đổi hàng chục phương pháp nhưng lần nào cũng thất bại, không thể đưa câu chuyện lịch sử ấy đến được với học trò”, cô Minh nói. Sau cả năm trời mày mò, từ mò học tiếp xúc với phần mềm đồ họa trên game đến mày mò ghép cảnh, dựng bài giảng, có khi bí quá cô gọi điện ra Hà Nội nhờ bạn bè là các chuyên gia đồ họa để học hỏi từng nút lệnh trên máy tính…

Năm 2011, đề tài “Thành Cổ Loa và lực lượng quốc phòng” của cô Minh đoạt giải nhì hội thi Sáng tạo kỹ thuật toàn quốc do Hiệp hội Khoa học - Kỹ thuật Việt Nam tổ chức. Nhưng cô Minh bảo: “Niềm vui lớn nhất của mình không phải là giải thưởng mà là sự thích thú của học sinh sau giờ học môn Lịch sử”.

Không dừng lại ở đó, đề tài về bài dạy Nghệ thuật chiến tranh trên sông Bạch Đằng của cô cũng vừa đoạt giải ba hội thi sáng tạo ngành giáo dục thành phố. Đây là bài giảng cô đã sử dụng phần mềm game và phim hoạt hình để dựng cảnh miêu tả lại chiến thắng Bạch Đằng của quân ta.

Trở lại với câu chuyện học sinh chán học môn Lịch sử. Cho đến bây giờ, vấn đề dạy và học Sử không còn là chuyện mới trước mỗi năm học, mỗi kì thi tốt nghiệp các cấp, nếu không muốn nói là quá cũ. Nó bị lãng quên bởi có một thời người ta quan niệm nó là môn phụ.

Mãi cho đến khi vị thế của môn học này quá chông chênh trong ngành giáo dục người ta mới giật mình. Một phong trào về học Sử, yêu Sử được khuấy lên nhằm cứu vãn tình thế hàng vạn học trò đang đứng trước nguy cơ "dân ta không biết sử ta".

Trả lại vị thế cho môn Lịch sử là một việc làm cần thiết. Thế nhưng để giữ "lửa" cho sự quan tâm và tình yêu môn học này không phải chỉ là một động thái đưa nó trở thành môn học chính. Và không ai khác, chính những giáo viên bộ môn ngày ngày đứng trên bục giảng giàu tâm huyết như cô giáo Minh đóng vai trò quan trọng trong việc nhen lên và giữ ngọn lửa ấy.


>> ĐỌC TIẾP...
Bình luận
vtcnews.vn