Căng thẳng “cuộc chiến” giành giật thí sinh vào dân lập

Căng thẳng “cuộc chiến” giành giật thí sinh vào dân lập

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:49
0
Năm nay, theo quy định mới của Bộ GD&ĐT, các trường ĐH, CĐ sẽ có quyền tự chủ trong việc xét tuyển thí sinh mà không tổ chức xét tuyển nguyện vọng 2, 3 như mọi năm

Một số chuyên gia cho rằng, quy định “mềm” này sẽ giúp cho cánh cửa giảng đường rộng mở hơn, tránh tình trạng thí sinh điểm cao vẫn trượt. Tuy nhiên, vẫn còn không ít lo lắng từ phía thí sinh.

Đánh giá cao quy định xét tuyển của Bộ, một chuyên gia trong ngành giáo dục phân tích: “Quyết định mới của Bộ GD&ĐT khiến không ít thi sinh vui mừng và an tâm hơn khi cánh cửa giảng đường dường như được “nới” rộng ra. Thực tế, các thí sinh không bị giới hạn bởi thời gian, cộng với khung điểm trúng tuyển linh động chắc chắn có lợi cho các thí sinh. Ước mơ ĐH vì thế cũng dễ với hơn với nhiều người, tránh được những bất cập như xét tuyển theo 3 nguyện vọng. Điều này đáp ứng được nguyện vọng của thí sinh và nhu cầu tuyển sinh của các cơ sở giáo dục”.

Xã hội - Căng thẳng “cuộc chiến” giành giật thí sinh vào dân lập

Các thí sinh dưới điểm sàn chạy đua vào trường top dưới. Ảnh minh họa

PGS.TS Trần Văn Nghĩa, cục trưởng Cục Khảo thí và chất lượng giáo dục (Bộ GD&ĐT) cho biết: Năm nay không quy định các nguyện vọng 2, 3 nhưng các thí sinh có nhiều cơ hội hơn để đăng ký các ngành học. Nếu thí sinh không trúng tuyển NV1 và có điểm thi trên điểm sàn sẽ được trường cấp cho hai giấy chứng nhận kết quả thi có dấu của trường. Hai giấy này có giá trị hoàn toàn giống nhau. Các thí sinh có thể dùng các giấy chứng nhận này để đăng ký xét tuyển.

Năm nay, Bộ GD&ĐT trao cho các trường quyền tự chủ trong việc xét tuyển. Tuy nhiên, các trường phải đảm bảo các điều kiện sau: Điểm xét tuyển phải cao hơn điểm sàn, không xét tuyển vượt chỉ tiêu đã được duyệt và tới ngày 30/11 phải kết thúc việc xét tuyển. Trên cơ sở ba yêu cầu này, các trường chủ động đưa ra các điều kiện xét tuyển và thời gian xét tuyển, đồng thời công khai trên trang web của trường, của Bộ, trên các phương tiện thông tin đại chúng khác. “Các thí sinh cần xem xét kỹ các thông tin về xét tuyển mà các trường công bố để đăng ký. Có thể đăng ký qua đường bưu điện, hoặc trực tiếp tại trường và các trường cũng phải tạo điều kiện cho thí sinh rút hồ sơ, nếu các em có nguyện vọng”, ông Nghĩa nói thêm.

Cũng theo PGS.TS Lương Khắc Hiếu, phó giám đốc Học viện Báo chí tuyên truyền, quyết định mới của Bộ sẽ giúp thí sinh có nhiều cơ hội trúng tuyển hơn, đồng thời cũng giúp các trường tuyển đủ chỉ tiêu. Gần như quyết định này không hề ảnh hưởng đến công tác tuyển sinh của học viện. Nếu như đợt đầu không đủ thí sinh trường sẽ tiếp tục xét tuyển. Năm nay, dự kiến điểm chuẩn của học viện sẽ tăng từ 2 – 5 điểm.

Tuy nhiên, với quy định mới này, các trường top trên vẫn “ung dung” và gần như không bị ảnh hưởng, trong khi các trường top dưới vẫn “lo ngay ngáy”. “Cuộc chiến” xét tuyển của các trường này năm nay được dự báo vẫn sẽ tiếp tục căng thẳng. Các trường không tổ chức thi tuyển sẽ phải chờ những trường uy tín, có thương hiệu tuyển đủ rồi mới đến lượt mình. Hơn nữa, việc không quy định thí sinh gửi giấy chứng nhận điểm để xét tuyển dẫn đến tình trạng đăng ký xét tuyển tràn lan ở nhiều trường ĐH, CĐ sẽ khiến lượng hồ sơ ảo tăng lên. Nhiều trường ĐH, CĐ vẫn sẽ rơi vào tình trạng ế ẩm hồ sơ, nỗi lo luôn hiện hữu bởi tâm niệm “chuột chạy cùng sào mới vào dân lập” của nhiều người.

Vũ Văn