- Trong tuần qua, thông tin giáo dục khá sôi động với những phát ngôn và cả hiện tượng "gây sốc" của những người ngồi ghế quản lý giáo dục. Tuy nhiên, vẫn có những điều đọng lại đẹp đẽ từ những người thực thụ mang tinh thần lãnh đạo.

“Không đâu chăm lo mầm non tốt như nước ta!”

Phát biểu của Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Nguyễn Tiến Đạt trong buổi làm việc với huyện Bình Chánh về công tác chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em khiến dư luận đầu tuần qua không đồng tình.

{keywords}

Phát ngôn "ấn tượng" về giáo dục trong tuần. Ảnh: Dân Trí

Theo ông Đạt, ở các nước phát triển, không có trường công lập cho trẻ em dưới 3 tuổi, trong khi gửi ở trường tư thục giá rất cao.

Trước đó chưa lâu, vụ bảo hành trẻ ở trường mầm non tư thục Phương Anh (quận Thủ Đức) vừa bị phát giác, khiến dư luận cả nước phẫn nộ.

Sau dư chấn một số vụ bạo hành trên địa bàn, Sở GD-ĐT TP.HCM quyết định sẽ đóng cửa các cơ sở không đủ điều kiện, nhóm trẻ gia đình, không phép.

“Nói không” với “ 5 bỏ” 

"Đối đầu" đáng kể nhất phải nói đến đề xuất "5 bỏ" mạnh mẽ của Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập và thái độ kiên quyết "nói không" của Bộ GD-ĐT.

Góp ý cho đề án đổi mới thi cử đến năm 2016, Hiệp hội các trường ngoài công lập đã đề xuất “ 5 bỏ” khi tuyển sinh ĐH, CĐ như sau: Bỏ điểm sàn, bỏ tuyển sinh theo khối, không cấm các trường không được sử dụng điểm thi của các trường khác, không bắt nộp đề án tự chủ, sang năm tổ chức 1 kỳ thi quốc gia.

Thứ trưởng Bùi Văn Ga giải thích rằng Bộ không cấp phép, không phê duyệt đề án tự chủ tuyển sinh của các trường mà chỉ xác nhận đề án tuyển sinh đó có phù hợp hay không phù hợp so với qui định chung. Còn việc vẫn duy trì điểm sàn là cần “ngưỡng tối thiểu” để đảm bảo được sự thành công tương đối của người học và chất lượng đào tạo nguồn nhân lực.

Điều này được rút kinh nghiệm từ “bài học cay đắng”: thả nổi đầu vào của các hệ đào tạo khác, khiến nhà tuyển dụng quay lưng với người tốt nghiệp ĐH, CĐ.

Cô giáo bị kẻ xấu tung ảnh dọa dẫm

Một cô giáo ở Bắc Giang đã bị kẻ xấu tung những hình ảnh riêng tư lên mạng xã hội. Những hình ảnh này do cô giáo ghi lại, nhưng do sơ xuất nên đã bị lấy mất và bị phát tán.

Lãnh đạo ngành giáo dục địa phương khẳng định, hành vi của đối tượng "tung ảnh dọa dẫm" không trong sáng, cố tình làm giảm uy tín, danh dự của nhiều người, nên đã đề nghị cơ quan chức năng làm rõ.

Câu chuyện đã bị một số trang thông tin khai thác kỹ lưỡng quá mức cần thiết. Theo một chuyên gia truyền thông, chuyện “tai nạn” này của cô giáo nên chăng cảnh báo về sự cẩn thận khi sử dụng thiết bị công nghệ trong cuộc sống và kỹ năng vững vàng đối ứng với kẻ xấu khi xảy ra sự cố ngoài ý muốn là chừng mực.

Du học sinh Việt bị trục xuất khỏi Úc

Dương Minh Tuấn, người từng bị một nhóm phát xít mới đánh trọng thương, đã bị buộc rời khỏi Úc hôm 8/1, sau khi được cho là visa của anh hết hạn vào tháng ba năm ngoái. Tuấn cũng không được phép trở lại nước này trong vòng ba năm.

Tuấn, đã về TP.HCM, cho biết visa của mình đến tháng 3/2014 mới hết hạn. Một đơn thỉnh cầu gồm 67.000 chữ ký đã được gửi tới cơ quan chức năng, đề nghị cho Tuấn trở lại Úc để được điều trị y tế và tốt nghiệp đại học.

Câu chuyện đang dấy lên nhiều tranh cãi ở Úc.

“Phải dạy thêm vì học sinh quá dốt”

Phát biểu này của bà Hoàng Thị Mai, hiệu trưởng Trường THPT Cao Thắng (Huế) đưa ra khi giải thích với báo chí về chuyện thu tiền học thêm của trường.

Theo phản ánh của phụ huynh, tổng số tiền học thêm của một học sinh lên tới 3.240.000 đồng, trong khi ở các cuộc họp phụ huynh, phiếu xin ý kiến chỉ ghi 8.000 đồng, 10.000 đồng và 12.000 đồng mỗi tiết học. Thấy con số nhỏ hoặc hiểu biết hạn chế, phụ huynh đã đánh dấu đồng ý vào phiếu, đến khi nhận thông báo thu tiền mới ngỡ ngàng.

Bà Mai giải thích việc tổ chức dạy thêm xuất phát từ “cái tâm” đối với học sinh, “do trường tuyển đầu vào quá thấp, học sinh quá ngu dốt”. Bà chỉ thừa nhận làm sai quy định là mỗi lớp học thêm không quá 45 học sinh và sai sót khi đưa giờ học thêm vào thời khóa biểu chính khóa.

Nộp 5 triệu đồng để liên hoan cuối năm

Tuần qua, các thầy cô giáo ở Trường THPT Trà Bồng (Quảng Ngãi) suýt bị “mất" 5 triệu đồng.

Do được truy lĩnh nhận tiền dành cho công chức, viên chức thuộc những khu vực có điều kiện đặc biệt khó khăn (trung bình mỗi người sẽ được 50-60 triệu đồng), khi tiền chưa về đến tay, lãnh đạo nhà trường đã quyết định trừ mỗi người 5 triệu để liên hoan cuối năm, tặng quà cảm ơn những đơn vị đã giúp đỡ làm chế độ.

Ngay sau khi sự việc được thông tin, các giáo viên đã ký nhận lại số tiền 5 triệu đồng đã thu.

 Cảnh cáo Phó giám đốc Sở đóng bàn “dởm”

Theo chương trình kiên cố hóa trường lớp giai đoạn 1 – 2009 của tỉnh Cà Mau, Sở GD-ĐT tỉnh này sẽ đóng mới 5.328 bộ bàn ghế, tổng giá trị là 6 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo kết luận thanh tra thì 60% số bàn ghế của công ty trúng gói thầu này đã làm không đảm bảo chất lượng.

Sở Nội vụ tỉnh đã cảnh ông Ngô Triều Mến – Phó Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh, người chịu trách nhiệm dự án, về vi phạm này.

Trường học mang tên Giám đốc Sở

Câu chuyện giáo dục đẹp đẽ trong tuần lại được gợi cảm hứng từ một người đã mất, và là lãnh đạo một ngành khác:  ông Phan Thế Phương (nguyên giám đốc Sở Thủy sản Thừa Thiên - Huế).

Người dân xã Quảng Công, huyện Quảng Điền Dân coi ông Phương là thành hoàng nên lập đền thờ ông ngay ngoài hồ tôm. Nay, dân lại lấy tên ông đặt tên trường học, tới đây sẽ dựng bia ghi công ơn.

{keywords}
Trường THCS Phan Thế Phương (Ảnh: Tuổi Trẻ)

Ông  Phương từng giảng dạy tại ĐH Nông nghiệp Hà Nội,làm hiệu trưởng Trường trung cấp Thủy sản trung ương I. Sau khi tách tỉnh, từ năm 1983-1991 ông là giám đốc Sở Thủy sản. Tháng 10-1991, ông mất trong một tai nạn giao thông.

Ở ngôi trường cấp 2 mang tên Phan Thế Phương, chuyện một ông quan không quản ngại khó khăn lặn lội về vùng quê nghèo khó, mang theo khát vọng giúp người dân nghèo đổi đời đã trở thành giáo án sinh động, là gương sáng mà thầy trò noi theo

  • Song Nguyên - Nguyễn Thảo (tổng hơp)